Hiện chưa có sản phẩm |
TỔNG TIỀN: | 0₫ |
Xem giỏ hàng | Thanh toán |
Trong bối cảnh đặc biệt của thời đại, thời trang Sài Gòn những năm 1960 - 1970 đã đến độ “sành” mặc, với sự dung hòa tuyệt vời giữa Đông và Tây.
Khi đặt chân đến xứ Đàng Trong vào đầu thế kỷ 17, những người Pháp từ phương Tây chắc hẳn sẽ ko ngờ - rằng “giấc mộng viễn đông” sẽ trở thành một cuộc giao thoa văn hóa vĩ đại. Dẫu trải qua nhiều thăng trầm trong quan hệ chính trị thế kỷ 19 - 20, Pháp và Việt Nam vẫn có những điểm “chạm” mang tính di sản.
Là kinh đô của ánh sáng và nghệ thuật, người Pháp đã mang đến Việt Nam những kiến thức, tư tưởng, thẩm mỹ,.. của Tây Phương. Xứ Sài Gòn vốn đã “rộng lòng” từ thời mở cõi phương Nam, nay sẵn sàng tiếp nhận cái mới. Đồng thời, người Pháp cũng không chủ trương đồng hóa - mà tôn trọng, bổ sung và hòa quyện cùng văn hóa bản địa. Từ đó, chúng ta quen dần với áo sơ mi, giày tây, các kiểu đầm váy, giày cao gót, ... Song song với việc mặc quốc phục trong các lễ nghi truyền thống.
Chúng ta có “bánh mì” Việt Nam, cải biến từ bánh mì Baguette. Chúng ta uống cafe, “ăn bằng đũa” và bàn chuyện nghệ thuật. Bên cạnh đó là những công trình mang kiến trúc Indochine với cửa lá sách, mái chồi; kết hợp tinh tế với lối xây dựng bền chắc của phong cách cổ điển phương Tây. Có thể thấy, dấu ấn Pháp thời kỳ này chính là sự giao thoa và tiếp biến văn hóa. Từ đó tạo nên những giá trị độc đáo và bền vững với thời gian; mở lối cho nhiều “mới mẻ” hơn trong các thập kỷ tiếp theo.
(Ảnh 1 - Sinh viên trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương mặc Âu phục. Ảnh chụp năm 1919)
Đến những năm 50 - 70, đô thị Sài Gòn lại đón nhận làn gió “lạ”. Đó là văn hóa Mỹ. Trên nền tảng văn hóa Tây Phương trước đó, đời sống thành thị càng sôi động, cởi mở, sành điệu và phóng khoáng hơn. Giới trẻ chịu ảnh hưởng từ văn hóa Hippie, điện ảnh, nhạc pop, ... Nếu như văn hóa Pháp thiên về tính hàn lâm, thì văn hóa Mỹ lại trẻ trung, hấp dẫn và quyến rũ. Dẫu vậy, cả hai nền văn hóa này đều làm tăng thêm tính đa sắc, năng động về mọi mặt cho đời sống Sài Gòn.
Trong bối cảnh đặc biệt của thời đại, thời trang Sài Gòn những năm 60 - 70 đã đến độ “sành” mặc, dung hòa tuyệt vời giữa Đông và Tây.
Bước ngoặt trong thời trang bắt đầu với việc cách tân tà áo dài truyền thống. Đầu thập niên 60, “Madame Nhu" khởi xướng trào lưu áo dài tay lửng, chiết eo, không cổ - Quyến rũ, táo bạo nhưng vẫn kín đáo và duyên dáng nét Việt Nam. Ngay sau đó, các Quý Cô sành điệu đã kết hợp kiểu áo dài này với khăn lụa, kính mắt mèo và tóc bob đánh phồng. Đó là hình ảnh đại diện tuyệt vời cho vẻ đẹp giao thoa Tây - Ta.
(Ảnh 2 - Áo dài cách tân do "Madame Nhu" khởi xướng)
Không dừng ở đó, thời trang Quý Cô ngày càng “bạo dạn” hơn với những chiếc váy có độ dài trên gối (mini dress, váy xòe, ...) và giày cao gót. Họ cũng không ngại “cởi bỏ” sự nữ tính để mặc quần jeans ống loe, suit, áo blazer hay quần âu. Dường như không có bất kỳ giới hạn nào. Các Quý Cô tự do, cởi mở trong những bản phối vượt thời gian.
(Ảnh 3 - Quý Cô Sài Gòn sành điệu trong những chiếc váy ngắn)
Thời trang Quý Ông những năm 60 - 70 cũng không kém phần lãng tử và lịch lãm. Trên đường phố, các Quý Ông diện áo sơ mi, quần âu và đeo kính đen kiểu “John Lennon” - bảnh bao “cưỡi” con xe motor scooter. Các kiểu trang phục thoáng mát như áo montagut cũng rất được ưa chuộng. Giày Loafer không dây bắt đầu thịnh hành bởi sự tiện dụng, đi chơi hay đi tiệc đều được.
(Ảnh 4 - Quý Ông Sài Gòn xưa trong áo sơ mi, quần tây và giày Loafer)
Thời trang Sài Gòn những năm 60 - 70 không chỉ là trang phục. Nó là đại diện cho thế hệ của thời đại mới. Một thế hệ năng động, không ngại chuyển mình. Nó đẹp bởi sự “rộng lòng” chấp nhận cái mới. Nhưng cũng không chối bỏ những giá trị truyền thống.
Phong cách “Sài Gòn xưa” không chỉ để “nhớ”, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những thiết kế ngày nay - Điều này chứng minh cho vẻ đẹp bền vững, vượt thời gian. Mẫu áo dài cách tân, quần ống loe, áo blazer, croptop chưa bao giờ vắng bóng trong tủ đồ của các Quý Cô. Còn các Quý Ông vẫn gắn bó hàng ngày với sơ mi, quần âu và giày tây. Đặc biệt, kiểu giày Loafer không dây luôn nằm trong top được yêu thích nhất của Quý Ông.
(Ảnh 5 - Phong cách Sài Gòn xưa vẫn luôn là niềm cảm hứng bất tận cho hôm nay)
Trên đây là một số thông tin thú vị về thời trang Sài Gòn những năm 1960 - 1970, một giai đoạn rất đặc biệt trong ký ức của nhiều thế hệ. Hy vọng thông qua bài viết này, Pierre Cardin Paris Vietnam đã mang đến cho Quý Khách hàng những kiến thức hữu ích.
Pierre Cardin Paris Vietnam
(2023)
Tác giả: Nguyễn Hà Bảo Thy